UBND TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đang xem xét phê duyệt dự thảo quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất.
*TP.HCM: Tách thửa từ 2.000m2 phải lập thành dự án
Đó là một trong những nội dung mới được Sở TN&MT TP.HCM đưa vào dự thảo văn bản thay thế quyết định 33/2014.
Dự thảo lần này cũng quy định việc tách thửa cho cả đất ở trong đô thị, đất ở nông thôn và đất nông nghiệp. Cụ thể theo dự thảo, thửa đất thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp được phép tách thửa, nhưng các thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500m2. Riêng đối với đất nông nghiệp đã được quy hoạch để sản xuất nông nghiệp thì phải 1.000m2 mới được tách thửa.
Trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa.
Còn nếu thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và không thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Sau đó thực hiện tách thửa theo diện tích tối thiểu tương ứng với từng loại đất.
Cũng theo dự thảo, đối với hộ gia đình, cá nhân sẽ căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xem xét giải quyết tách thửa. Cụ thể là căn cứ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết.
Trường hợp chưa có quy hoạch 1/2.000 thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch được duyệt xác định thửa đất ở thuộc ba loại đất: quy hoạch dân cư hiện hữu, dân cư hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới và dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới thì được tách thửa.
Đặc biệt, dự thảo còn có quy định có hướng “mở” đối với người sử dụng đất, đó là: “Trường hợp thửa đất có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi đất để thực hiện dự án, sau ba năm chưa có quyết định thu hồi đất và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất được tách thửa theo quy định”.
Ngoài ra, Dự thảo quy định diện tích tối thiểu được tách thửa được giữ nguyên như tại quyết định 33.
Theo đó, có phân chia theo 3 khu vực và hai loại thửa đất. Một là thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa chưa có nhà ở. Hai là thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa có nhà ở hiện hữu.
Dự thảo lần này quy định rõ, đất ở có nhà hiện hữu phải là nhà ở được hình thành từ trước ngày quyết định 33 có hiệu lực (ngày 25-10-2014), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc đủ điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở.
*Bình Dương: Tách đất ra hơn 5 thửa phải lập quy hoạch
Theo dự thảo quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất đang được UBND tỉnh Bình Dương xem xé thông qua, 1 thửa đất nếu người sử dụng đất muốn tách thành 5 thửa trở lên thì phải lập quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch tổng mặt bằng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đất ở, dự thảo giữ nguyên diện tích tối thiểu được phép tách thửa là: thửa đất mới phải từ 60m2 trở lên (tại các phường), 80m2 trở lên (tại các thị trấn) và từ 100m2 trở lên (tại các xã). Bề rộng và bề sâu thửa đất tối thiểu phải là 4m.
Tuy nhiên, dự thảo đưa thêm quy định chặt chẽ hơn, chỉ cho tách thửa đối với thửa đất ở tiếp giáp đường đi do Nhà nước đầu tư hoặc quản lý (các thửa đất tiếp giáp lối đi chung do người dân tự mở không được tách thửa).
Đối với một số trường hợp đất ở cá biệt sẽ được hội đồng tư vấn cấp huyện, thị xã, thành phố xem xét nhưng diện tích tối thiểu cũng không được nhỏ hơn 50m2 và bề rộng, chiều sâu tối thiểu cũng phải là 3m.
Bên cạnh đó, dự thảo của tỉnh Bình Dương còn quy định đối với đất trồng cây hằng năm và cây lâu năm thì diện tích tối thiểu tách thửa là 300m2 (tại các phường), 500m2 (tại các thị trấn) và 1.000m2 (tại các xã).
Dự thảo cũng bổ sung quy định mới là: đối với thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn là đất nông nghiệp thì không bắt buộc phải tiếp giáp đường; đối với thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở thì buộc phải tiếp giáp đường do Nhà nước đầu tư và quản lý.
Dự thảo mới cũng buộc tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng thừa phát lại và UBND cấp xã khi công chứng, chứng thực hợp đồng hoặc vi bằng để chuyển quyền sử dụng đất phải xác minh thông tin về khu đất, trong đó có quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa.
Theo bộ Tài nguyên và Môi trường